Bản tin Nhà đầu tư

BẢN TIN BÁO CÁO NHÀ ĐẦU TƯ – THÁNG 06/2024
16/07/2024

Trong tháng 6/2024, CTCP Tôn Đông Á (“TDA”, MCK: GDA) ghi nhận sự suy giảm tổng sản lượng bán hàng ở mức 19% so với mức nền khá cao của tháng tháng 5, tuy nhiên lại tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng sản lượng tháng 6 đạt 68,000 tấn. Trong nửa đầu năm 2024 (6T2024), công ty đã đạt tổng sản lượng lũy kế là 438 nghìn tấn, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 16% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2023. Ngành thép hiện nay vẫn cho thấy một bức tranh khá phức tạp trong nhu cầu thị trường và các tác động từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu.

Kết quả bán hàng kênh nội địa:

  • Tổng sản lượng nội địa trong tháng 6/2024 giảm 34% so với mức cao trong tháng 5 và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng sản lượng là 24,600 tấn. Mức giảm này cho thấy một phần vì so sánh với các số liệu cao kỳ trong, nhưng cũng phản ánh tình hình tiêu thụ nội địa chưa hoàn toàn phục hồi, do sự chững lại của nhu cầu sau một giai đoạn, đặc biệt trong các ngành xây dựng và công nghiệp
  • Các phân khúc sản phẩm mạ lạnh (GL), mạ kẽm (GI), mạ màu (PP) ghi nhận giảm so với tháng trước, nhưng chỉ số mảng GI tăng 23% so với năm trước là điểm sáng, cho thấy TDA còn tiềm năng cao để phát triển phân khúc này.
  • Tổng sản lượng lũy kế 6T2024 mảng nội địa của công ty đạt 161.4 nghìn tấn, tăng 2% so với 6 tháng đầu năm trước. Sự tăng trưởng khiêm tốn này cho thấy những thách thức mà khu vực nội địa đang phải đối mặt.
  • Thị phần nội địa đến thời điểm 6T2024 của TDA vẫn duy trì trên mức 15%, thể hiện nỗ lực cạnh tranh, duy trì và gia tăng khi có cơ hội tại thị trường nội địa.

Kết quả bán hàng kênh xuất khẩu:

  • Tổng sản lượng xuất khẩu tháng 6/2024 đạt 43,444 tấn, giảm 8% so với tháng trước nhưng tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
  • Mảng GI ttrong tháng 6/2024 tăng trưởng tốt với 61% so với năm trước. Đối với dòng sản phẩm GL và PP, tuy cũng ghi nhận sự tăng trưởng so với năm trước, nhưng có sự sụt giảm so với mức cao của tháng trước.
  • Tổng sản lượng lũy kế 6T2024 ở mảng xuất khẩu đạt 276.6 nghìn tấn, tăng 27% so với 6 tháng cùng kỳ. Mảng xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của công ty và lĩnh vực sản xuất, trong đó có ngành thép.
  • Thị phần xuất khẩu của TDA đến thời điểm 6T2024 của công ty đạt 17%, phản ánh kết quả từ việc xây dựng, đa dạng hóa thị trường và mở rộng quy mô toàn cầu..

Kết quả sản lượng tại thị trường nội địa và xuất khẩu trong tháng 6/2024 đã phản ánh tác động từ các thay đổi trong vĩ mô và thương mại toàn cầu đối với ngành thép mạ. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy sự phục hồi không đồng đều giữa các phân khúc sản phẩm và các phân khúc thị trường. Đà tiêu thụ tại mảng nội địa còn do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô như điều kiện đầu tư, tiếp cận tín dụng hạn chế, và các tiềm năng thay đổi trong chính sách nhập khẩu nguyên vật liệu.

Đối với thị trường quốc tế, việc Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế, củng cố ngành sản xuất công nghiệp cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng là triển vọng cho sự tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, các đà tăng trưởng chậm lại và thay đổi chính sách thương mại của các quốc gia phát triển đã có những ảnh hưởng không nhỏ, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho thị ngành thép và các lĩnh vực tiêu thụ thép toàn cầu nói chung và ngành thép mạ tại Việt Nam nói riêng.

Thị trường thép Châu Âu vẫn đang trải qua giai đoạn khó khăn do hậu quả của cuộc chiến tại Ukraine và triển vọng kinh tế chung suy yếu. Mặc dù tiêu thụ thép tại châu lục này đã tăng nhẹ vào quý cuối năm 2023 đến năm 2024, sự phục hồi này vẫn còn nhẹ và chưa đồng đều. Các ngành sử dụng thép ở Châu Âu như xây dựng và sản xuất xe hơi vẫn còn chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn do chi phí năng lượng cao và lãi suất tăng. Tuy nhiên có thể thấy thị trường Châu Âu đang trong giai đoạn phục hồi từ mức thấp trong năm 2023, đặc biệt là từ ngành xây dựng sau khi chịu tác động từ các chính sách thắt chặt tiền tệ. Bên cạnh đó, xu hướng nhu cầu ngành thép tại Châu Mỹ đang phải chờ đợi triển vọng giảm lãi suất, chính sách thương mại, bầu cử chính trị.

Trung Quốc đang có sự thay đổi xu hướng tiêu thụ thép, với sự giảm phụ thuộc vào ngành bất động sản thương mại/dân dụng và tăng trưởng trong các ngành công nghệ cao, công nghiệp mới, cơ sở hạ tầng mới và sản xuất cao cấp. Nhưng nhu cầu tiêu thụ thép trong nước vẫn chưa hẳn tích cực do thị trường bất động sản.

Việt Nam vẫn được kỳ vọng trong trung hạn là một thị trường năng động với sự phục hồi trở lại đặc biệt dẫn đầu bởi ngành sản xuất, đầu tư công và FDI, các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng. Tổng quan, mặc dù mỗi thị trường có những thách thức riêng, nhưng TDA đã thay đổi, linh hoạt thích ứng với những biến động của thị trường. Những nỗ lực trong cải thiện hiệu quả bán hàng, sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đã chứng minh vị thế của công ty trên thị trường.

Xin cảm ơn sự quan tâm của Quý nhà đầu tư và đối tác.

Bản tin báo cáo này có những nhận định về tương lai trong các kỳ vọng dự định của Công ty có thể liên quan đến những rủi ro và sự không chắc chắn. Bạn đọc không nên xem những nhận định tương lai này là dự đoán sự kiện sẽ xảy ra hoặc lời hứa về kết quả trong tương lai.