Tin Tôn Đông Á

SỐNG ĐẸP: NGUYỄN VĂN ĐỨC VÀ HÀNH TRÌNH 17 NĂM NHẶT RÁC CỨU BIỂN
28/07/2021

Đây là câu chuyện có thật, được chuyển thành bài dự thi cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với sự đồng hành của Tôn Đông Á
Là huấn luyện viên lặn biển, mỗi ngày làm việc gắn với môi trường nước, hơn ai hết, Nguyễn Văn Đức hiểu rằng đại dương chính là “chiếc phao cứu sinh” giúp con người chống chọi với sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

 

Nguyễn Văn Đức (bìa phải) cùng nhóm học viên lặn biển

ẢNH: NVCC
Ngày 9.5 qua, Nguyễn Văn Đức đã đăng lên trang Facebook cá nhân hình ảnh những tấm “lưới ma” vừa được anh nhặt lên khỏi đáy biển. Sở dĩ Đức chia sẻ khoảnh khắc này bởi anh cho rằng bảo vệ biển cũng chính là bảo vệ mẹ thiên nhiên.
Nhiều năm qua, mỗi lần xuống nước, Đức lại mang theo thiết bị quay để ghi lại đời sống dưới đáy đại dương. Bên cạnh các bức ảnh thể hiện hệ động thực vật phong phú rực rỡ, nhiều góc cạnh xám màu của biển cả cũng được Đức ghi lại. Đó là mảnh bao bố kẹt giữa rạn san hô, là mớ lưới rối tung khiến chú cá mắc kẹt không thoát ra được, là những chai nhựa, vỏ bao thuốc lá, vỏ lon nước ngọt…

 

Rác thải "tấn công" các loài sinh vật dưới đáy biển
ẢNH: NVCC

Loạt hình ảnh phô bày thực tế rằng biển đang thoi thóp trước sự tấn công của rác thải mà Đức đăng lên mạng xã hội khiến người xem không khỏi nhức nhối. Nhiều bạn bè của Đức đã chủ động tìm tới anh, chung tay cùng Đức bảo vệ mạch sống của biển.
“Ban đầu, việc nhặt rác của mình là tự phát. Khi thấy rác, mình chủ động nhặt bỏ vô túi, hoặc khi đang trên tàu, nhìn thấy nhựa trôi nổi trên mặt nước thì mình nhảy xuống nhặt”, anh Đức chia sẻ.
Đọc tới đây, hẳn nhiều người thắc mắc tại sao Nguyễn Văn Đức lại “có lòng” với biển đến vậy? Câu trả lời một phần đến từ gốc gác của người đàn ông rắn rỏi này.
Biển là nhà, biển là bạn!
Nguyễn Văn Đức sinh ra ở Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Đến tuổi vào giảng đường, anh chọn trường Đại học Thủy sản Nha Trang làm nơi chắp cánh ước mơ. Có lẽ vùng duyên hải với vô số đảo, hòn, vịnh… xinh đẹp nổi trên nền nước thẫm xanh đã tượng hình một Nguyễn Văn Đức giàu bản năng chinh phục và khao khát bảo vệ biển.
Thời sinh viên, Đức thường bỏ thì giờ ngồi nghe bạn mình miêu tả vẻ đẹp hoang sơ bên dưới lớp màn nước kỳ bí. Trước khi lấy được tấm bằng huấn luyện viên lặn biển của Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp (PADI) năm 2007, Đức đã nhiều lần thử vén lớp màn ấy lên để ngắm nhìn bức tranh sống động của biển cả. Anh đã ngỡ ngàng biết bao khi lần đầu tiên nhìn thấy một chú cá đủ màu bơi ngang ống thở!
38 tuổi đời và gần 15 năm tuổi nghề đã cho Đức gặp gỡ và tương tác với nhiều “bạn” mới. Đó có thể là một chú cá ếch giỏi ngụy trang, một chàng cá bọ cạp sặc sỡ hay một chú cá chình quen bọt khí của Đức và đồng nghiệp, thường bơi ra khỏi hang để “chào hỏi” nhóm lặn của các anh.
Tính chính xác thời điểm Đức nhặt rác biển vào năm 2004 (sau 2 năm anh vào công ty Rainbow Divers để học lặn) thì tới nay, Đức đã có 17 năm là thêm việc ngoài chuyên môn. Số năm mà anh “săn rác” còn nhiều hơn thời gian anh làm việc chính thức trên cương vị một huấn luyện viên lặn biển. Nhớ lại gần 2 thập kỷ miệt mài, Đức hồ hởi kể tên những anh em bạn bè, cả Tây lẫn ta, cùng đồng hành trên con đường bảo vệ môi sinh. Đó là Phạm Văn Quyến, Mai Hoàng Kiên Kha, Matthew, Jeremy, Michael...
Từ công việc huấn luyện lặn biển, công ty Rainbow Divers nơi Đức làm việc đã đưa ra ý tưởng kết hợp lặn biển và nhặt rác. Hiện tại, nội dung nhặt rác đã được đưa vào chương trình huấn luyện chính thức của công ty. Thứ sáu hàng tuần, Rainbow Divers tổ chức cho khách lặn miễn phí kết hợp nhặt rác.


 
“Lưới ma” được anh Đức nhặt và bỏ lên tàu
ẢNH: NVCC

Đi qua gian lao, hái nhiều 'quả ngọt'
Ban đầu, hoạt động nhặt rác đáy biển của anh Đức chỉ được thực hiện quanh Khu bảo tồn biển Hòn Mun (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), thì nay đã được mở rộng ra các vùng biển của Phú Quốc, Hội An, Côn Đảo... thu hút lượng lớn huấn luyện viên, học viên và khách hàng của các chi nhánh của Rainbow Divers trên toàn quốc.
“Nhiều người đến với mình vì đam mê bộ môn lặn biển nhưng sau khi thấy các anh em nhặt rác như vậy thì học viên, khách hàng tự bỏ tiền thuê tàu ra nhặt. Mình mong muốn thông qua việc nhặt rác này, mọi người có ý thức hơn trong việc xả thải ra môi trường. Nếu mọi người cứ xả rác bừa bãi thì mình có nhặt cỡ nào cũng không thể sạch được!”, anh Đức trăn trở.
Công việc huấn luyện lặn biển tiêu hao của Đức nhiều sức lực khi phải hoạt động thường xuyên trong môi trường nước, cộng với việc mang theo các thiết bị năng nhọc. Lúc Đức mới bắt đầu nhặt rác, nhiều người cho rằng anh “rảnh rỗi”, “làm màu”. Một vài khu vực vừa được làm sạch thì rác khác trôi tới, khiến Đức ít nhiều buồn lòng. “Vệ sinh” đáy biển cũng không hề đơn giản, việc này vừa cần sự khéo léo bởi các rạn san hô rất dễ gãy, vừa cần sự cẩn trọng khi phải né tránh các loài sinh vật nguy hiểm, tránh vùng nước xấu khi thời tiết phức tạp.
Có lẽ nhờ thâm niên “vác tù và hàng tổng” từ lúc thanh niên mà Nguyễn Văn Đức đã vượt qua mọi trở ngại bằng nguồn năng lượng dồi dào được "sạc" liên tục từ sự gắn bó mật thiết của anh với biển. Đến nay khi sắp chạm tứ tuần, anh Đức vẫn giữ được tinh thần lạc quan để tiếp tục việc làm mà anh cho là có ích. Đây như sự đền đáp của Đức với đại dương mênh mông - nơi cho anh công việc vừa thỏa đáp đam mê, vừa nuôi sống anh và gia đình trong suốt nhiều năm qua.