Doanh nghiệp sản xuất thép lá mạ lớn thứ 3 tại Việt Nam vừa được chấp nhận chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà hồi phục và được thúc đẩy tăng trưởng bằng nhiều gói kích thích mới.
Toàn cảnh nhà máy của Tôn Đông Á tại Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Ngày 31/12/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp giấy phép chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) cho CTCP Tôn Đông Á. Ngoài ra, ông lớn ngành thép này cũng vừa công bố bắt đầu chào bán cổ phần IPO lần đầu vào ngày 07/01/2022.
CTCP Tôn Đông Á là doanh nghiệp top 3 trong ngành sản xuất thép lá mạ tại Việt Nam với các sản phẩm chủ yếu là các dòng tôn mạ lạnh, mạ kẽm, mạ màu được sử dụng trong ngành xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng giao thông, thiết bị gia dụng… Hiện tại, Tôn Đông Á đang quản lý vận hành 2 nhà máy sản xuất tôn mạ ở Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Khu công nghiệp Đồng An 2 với công suất tối đa đạt 850,000 tấn/năm.
Ở thị trường nội địa, Tôn Đông Á tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại thị trường miền Nam và chiếm thị phần cao nhất tại đây.
Ở kênh xuất khẩu, Công ty bán sản phẩm tới hơn 45 quốc gia và nhà xuất khẩu tôn mạ thứ 3 tại Việt Nam. Trong đó chủ lực là Bắc Mỹ và châu Âu – hai khu vực có giá bán thép cao nhất trên thế giới.
Các nhà máy của Tôn Đông Á.
Thế mạnh của ông lớn ngành thép này đến từ kinh nghiệm và bí quyết sản xuất sản phẩm chất lượng hàng đầu và chuỗi cung ứng hiệu quả. Chưa hết, việc sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp từ Nam ra Bắc với 4 công ty thành viên cũng giúp Tôn Đông Á đẩy mạnh việc làm ăn một cách dễ dàng và thuận lợi hơn.
Lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021 và kế hoạch tham vọng với nhà máy thứ 3
Sở hữu nhiều lợi thế cùng với một hệ thống phân phối rộng khắp, Tôn Đông Á cũng tận dụng được cơ hội kinh doanh từ giai đoạn thuận lợi hiếm có của ngành thép.
Trong 1 năm qua, giá thép liên tục phá kỷ lục và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh khi các nước bắt đầu gượng dậy từ đại dịch. Nhờ đó, năm 2021, Tôn Đông Á ước tính doanh thu đạt 22,600 tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế lên tới 1,200 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Giữa bối cảnh thuận lợi, Tôn Đông Á đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và sản phẩm. Cụ thể, Tôn Đông Á lên kế hoạch đầu tư nhà máy thứ 3 để mở rộng quy mô và sản phẩm. Nhà máy này sẽ chủ yếu sản xuất sản phẩm thép mạ dùng cho ngành xây dựng, sản xuất thiết bị gia dụng và xe hơi, dự kiến khởi công vào quý 1/2022
Với nhà máy thứ 3, Tôn Đông Á cũng tham vọng trở thành công ty nội địa đầu tiên cung cấp sản phẩm cho các công ty xe hơi và đáng chú ý, Công ty cũng sẽ hợp tác với đối tác chiến lược là công ty thép thuộc top 5 thế giới.
Giai đoạn thuận lợi sẽ tiếp diễn?
Bộ sản phẩm KING của Tôn Đông Á. Logo dòng KING là sự kết hợp giữa Tôn Đông Á và đầu rồng cách điệu. Hình ảnh bao bì đại diện là họa tiết mây.
Giai đoạn kinh doanh thuận lợi của Tôn Đông Á được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong năm 2022 và tương lai khi mà nền kinh tế đang trên đà hồi phục và được thúc đẩy bằng nhiều gói kích thích mới. Hiện nay, Mỹ đang là nước phục hồi mạnh nhất, ngành xe hơi tăng trưởng rất mạnh, kéo theo đó là sự gia tăng của nhu cầu thép lá mạ. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo Tôn Đông Á kỳ vọng nhà máy số 3 sẽ đạt được hiệu quả ngay khi đi vào vận hành từ năm 2023.
Trong khi đó, nguồn cung thép tại Trung Quốc – đất nước sản xuất 50% lượng thép thế giới – có thể tiếp tục giảm vì các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường ở nước này. Sự suy giảm nguồn cung tại Trung Quốc được kỳ vọng là yếu tố níu giữ giá thép ở mức cao trong năm 2022.
Ngoài ra, cú hích cho các doanh nghiệp ngành thép tại Việt Nam còn đến từ ưu thế về chi phí nhân lực và chi phí vận hành hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài.