Tháng 1 năm 2025 đánh dấu một khởi đầu khá thách thức với kết quả sản lượng bán hàng của Tôn Đông Á giảm nhẹ so với cùng kỳ, phản ánh tình hình thị trường thép mạ toàn cầu cũng như nội địa đang trong giai đoạn điều chỉnh, bên cạnh Việt Nam đi vào giai đoạn lễ Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, xét kỹ vào từng phân khúc và cơ cấu sản phẩm, công ty vẫn duy trì được vị thế ổn định trên thị trường nội địa và nắm bắt các cơ hội xuất khẩu. Trong tháng 1/2025, sản lượng bán hàng của Tôn Đông Á đạt 56,969 tấn, giảm 7.9% so với tháng liền trước và giảm 20.3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sản lượng giảm, nhưng công ty vẫn thể hiện rõ nỗ lực quản trị chiến lược về sản phẩm và thị trường trong bối cảnh nhu cầu thép toàn cầu và nội địa suy yếu theo mùa lễ Tết cũng như áp lực cạnh tranh gia tăng.
Tóm tắt sản lượng bán hàng tháng 1/2025

1. Doanh số Nội Địa
Sản lượng nội địa tháng 1 đạt 24,035 tấn, giảm 27.6% m-o-m và giảm 7.6% y-o-y. Sự suy giảm này chủ yếu đến từ yếu tố mùa vụ khi thị trường xây dựng nội địa thường tạm chững vào giai đoạn đầu năm (trùng dịp nghỉ Tết). Tuy nhiên, từng sản phẩm cho thấy bức tranh đa chiều:
• Thép mạ kẽm có sự tăng trưởng (+14.1% y-o-y), chủ yếu nhờ nhu cầu từ các ngành bất động sản thương mại, công nghiệp như nhà xưởng, kho bãi và dự án công nghiệp và cơ sở hạ tầng đang triển khai tại các tỉnh thành kinh tế lớn, nơi Tôn Đông Á đang tập trung chiến lược mở rộng thị phần. Ngược lại, sản lượng thép mạ lạnh và thép mạ màu nội địa giảm lần lượt 18,6% y-o-y và 13.4% y-o-y do ảnh hưởng bởi thị trường xây dựng chững lại trong các tháng cuối năm 2024, kéo sang đầu năm 2025.
2. Doanh số xuất khẩu
Xuất khẩu tháng 1 tăng trưởng 15.1% so với tháng trước, đạt 32,934 tấn, giảm 27.5% y-o-y. Điều này thể hiện sự hồi phục bước đầu tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm, tuy nhiên vẫn chịu áp lực lớn từ biến động toàn cầu về giá và chính sách bảo hộ:
• Thép mạ kẽm xuất khẩu giảm 19.7% y-o-y, đạt 10,226 tấn, phản ánh áp lực từ thị trường quốc tế với nguồn cung dồi dào trong bối cảnh phòng hộ thương mại tăng cao.
• Thép mạ lạnh mặc dù tăng mạnh 64.3% m-o-m, nhưng vẫn giảm 28.3% y-o-y, ghi nhận 22,412 tấn, chủ yếu do áp lực cạnh tranh và mức nền cao năm 2024.
• Sản phẩm thép mạ màu giảm còn 296 tấn, giảm 79.3% y-o-y bởi những khó khăn trong bối cảnh Mỹ và châu Âu.
Trước tình hình ngành thách thức, Tôn Đông Á tiếp tục chủ động triển khai một số kế hoạch, điển hình:
• Kiểm soát vốn lưu động và tồn kho, điều chỉnh sản lượng phù hợp với biến động nhu cầu, duy trì vòng quay vốn lưu động và nợ vay ở mức hiệu quả.
• Mở rộng sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu tiềm năng khác, nơi có khả năng có các chính sách chống bán phá giá thuận lợi cho doanh nghiệp.
• Tập trung vào các sản phẩm có nhu cầu và giá trị cao như thép mạ màu và thép mạ chất lượng cao phục vụ công trình dân dụng, công nghiệp và thương mại cao cấp, bảo toàn biên lợi nhuận trong dài hạn.
• Tăng cường đa dạng hóa thị trường để ổn định doanh thu và hạn chế rủi ro biến động khu vực.
Ngành thép mạ toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn từ bất ổn địa chính trị, các biện pháp phòng hộ thương mại, giá nguyên liệu đầu vào biến động, đặc biệt là từ Trung Quốc – quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Dù vậy, triển vọng dài hạn vẫn được kỳ vọng từ quý 2/2025 tại các thị trường tiêu dùng thép lớn như Mỹ, châu Âu, ASEAN,… nhờ các gói kích thích kinh tế, tài chính, xu hướng hạ lãi suất, phục hồi và tăng trưởng sản xuất công nghiệp, hạ tầng và đầu tư công.
Bản tin báo cáo này có những nhận định về tương lai trong các kỳ vọng dự định của Công ty có thể liên quan đến những rủi ro và sự không chắc chắn. Bạn đọc không nên xem những nhận định tương lai này là dự đoán sự kiện sẽ xảy ra hoặc lời hứa về kết quả trong tương lai.