Trong tháng 10/2024, CTCP Tôn Đông Á (“công ty”) ghi nhận xu hướng tăng trưởng tương đối trái chiều giữa các phân khúc kinh doanh, với doanh số nội địa duy trì đà tăng trưởng tích cực, trong khi thị trường xuất khẩu có một số thách thức. Tổng sản lượng tiêu thụ tháng 10/2024 đạt 77,092 tấn, giảm 1.2% so với tháng trước (m-o-m), nhưng tăng 25.4% so với cùng kỳ năm trước (y-o-y).
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 (10M2024), công ty đạt tổng sản lượng tiêu thụ đạt 743,470 tấn, tăng 18.6% so với cùng kỳ năm trước (y-o-y). Kết quả này được thúc đẩy bởi (i) sự tăng trưởng của công ty tại thị trường nội địa với sản lượng 294,527 tấn, tăng 9.0% y-o-y, và (ii) đóng góp từ xuất khẩu đạt 448,943 tấn, tăng 25.8% y-o-y, đặc biệt nhờ sản lượng thép mạ kẽm tăng trưởng.
Sản phẩm của Tôn Đông Á tiếp tục đáp ứng nhu cầu đa dạng, từ các dự án nhà ở, xây dựng công nghiệp, cơ sở sản xuất, đến phân khúc tôn thép lợp mái và ốp tường. Công ty cũng ghi nhận nhu cầu ổn định đối với các sản phẩm giá trị cao, như thép tấm dùng trong sản xuất điện máy gia dụng và trang trí, cùng với nhu cầu ngày càng tăng ở các dự án xây dựng cao cấp trong khu dân cư, thương mại và công nghiệp, thể hiện năng lực của Tôn Đông Á trong việc đáp ứng các phân khúc chuyên biệt và đòi hỏi chất lượng cao.
Tóm tắt doanh số bán hàng tháng 10/2024
1. Doanh số Nội Địa
Doanh số sản lượng tại nội địa của công ty trong tháng 10/2024 đạt 36,213 tấn, tăng 7.0% m-o-m và 42.9% y-o-y, phản ánh sự phục hồi nhẹ của nhu cầu trong nước, được dẫn dắt bởi sự tăng trưởng trong các hoạt động xây dựng và hạ tầng. Lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh số nội địa đạt 294,527 tấn, tăng 9.0% y-o-y, với các yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: sự phục hồi chậm nhưng ổn định của lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, dòng vốn FDI và đầu tư tập trung vào các dự án công, nhu cầu từ các lĩnh vực xây dựng, sản xuất và công nghiệp, bao gồm vật liệu xây dựng và thiết bị điện gia dụng.
• Thép mạ kẽm (GI): 9,921 tấn (+1.4% m-o-m, +46.9% y-o-y). Lũy kế 10 tháng đạt 76,799 tấn, tăng 38.3% y-o-y.
• Thép mạ hợp kim nhôm kẽm (GL): 11,912 tấn (+2.0% m-o-m, +35.5% y-o-y). Lũy kế 10 tháng đạt 108,323 tấn, tăng 0.4% y-o-y.
• Thép mạ màu (PP): 14,380 tấn (+16.3% m-o-m, +46.9% y-o-y). Lũy kế 10 tháng đạt 109,405 tấn, tăng 2.5% y-o-y.
2. Doanh số xuất khẩu
Doanh số sản lượng đối với xuất khẩu tháng 10/2024 đạt 40,879 tấn, giảm 7.5% m-o-m nhưng tăng 13.1% y-o-y. Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng sản lượng xuất khẩu đạt 448,943 tấn, tăng 25.8% y-o-y.
• Thép mạ kẽm (GI): 19,000 tấn, tăng 7.1% m-o-m và 237.4% y-o-y, khẳng định khả năng cạnh tranh của công ty tại các thị trường quốc tế. Lũy kế 10 tháng đạt 154,015 tấn, tăng 34.7% y-o-y.
• Thép mạ hợp kim nhôm kẽm (GL): 20,687 tấn, giảm 8.4% m-o-m và 25.8% y-o-y. Lũy kế 10 tháng đạt 251,438 tấn, tăng 14.8% y-o-y.
• Thép mạ màu (PP): 1,192 tấn, giảm 69.2% m-o-m và 54.8% y-o-y. Lũy kế 10 tháng đạt 43,490 tấn, tăng 83.6% y-o-y.
Hiệu suất bán hàng trong bối cảnh thách thức toàn cầu
Tháng 10 ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng trong các hoạt động xây dựng theo mùa, mặc dù điều kiện thời tiết tại các khu vực trọng điểm thuận lợi hơn. Tôn Đông Á đã tận dụng hiệu quả các cơ hội từ thị trường bằng cách kết hợp chiến lược giá phù hợp và chất lượng sản phẩm, giúp công ty mở rộng thị phần trong bối cảnh chi phí nguyên liệu duy trì ở mức cao.
Việc giá thép cán nóng (HRC), nguyên liệu sản xuất chính, có dấu hiệu ổn định tương đối đã tạo điều kiện để kiểm soát chi phí tốt hơn, từ đó duy trì mức giá cạnh tranh và bảo toàn biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục áp dụng chiến lược quản lý hàng tồn kho thận trọng, giữ mức tồn kho ở mức tối ưu nhằm giảm thiểu rủi ro từ biến động giá nguyên liệu thô.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang các thị trường phát triển của Tôn Đông Á ghi nhận tăng trưởng mạnh, khẳng định lợi thế cạnh tranh của công ty. Tuy nhiên, ngành thép nói chung và công ty nói riêng cũng đang đối mặt với một số thách thức, bao gồm áp lực từ ngành thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu và nội địa còn suy yếu, dẫn đến các biện pháp bảo hộ tại các quốc gia nhập khẩu, cạnh tranh gay gắt từ các công ty toàn cầu, giá thép biến động và khung pháp lý bảo hộ thương mại tại các thị trường trọng điểm, khó khăn kinh tế vĩ mô, như lãi suất tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu, và bất ổn địa chính trị, làm giảm nhu cầu tại một số quốc gia.
Dù vậy, triển vọng xuất khẩu dài hạn vẫn tích cực. Nhu cầu thép mạ toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ các xu hướng cơ bản như dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, gia tăng đầu tư vào công nghệ sản xuất, và sự cạnh tranh trong công nghiệp toàn cầu. Những yếu tố này tạo ra nền tảng để Tôn Đông Á tiếp tục nắm bắt cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Hiệu quả sản xuất & định hướng tăng trưởng
Hiện tại, các nhà máy và dây chuyền sản xuất của Tôn Đông Á đang vận hành tiệm cận mức tối ưu hóa, tập trung vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất và tối đa hóa lợi nhuận. Tiếp tục củng cố vị thế, Tôn Đông Á đang tích cực triển khai chiến lược đa dạng hóa và giảm rủi ro tập trung thông qua việc mở rộng thị trường ở các khu vực tiềm năng. Mạng lưới phân phối vững chắc của công ty là công cụ quan trọng trong việc thâm nhập các phân khúc ít cạnh tranh và bão hòa, từ đó đảm bảo khả năng chống chịu trước những bất ổn của thị trường.
Hướng đến năm 2025, sự phục hồi của ngành xây dựng tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục là một trong những động lực chính thúc đẩy nhu cầu thép mạ. Dù vậy, thị trường toàn cầu vẫn phải đối mặt với những yếu tố bất ổn, như sự chậm lại trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc và nguồn cung thép dư thừa, cùng với những biến động ngắn hạn từ các biện pháp kích thích kinh tế nội địa của Trung Quốc.
Trên thị trường quốc tế, căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng. Tuy nhiên, các chính sách chống bán phá giá tại Mỹ và châu Âu đang tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà sản xuất như Tôn Đông Á. Trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức, ban lãnh đạo công ty nhận thức rằng để duy trì tăng trưởng và lợi nhuận dài hạn, cần có cách tiếp cận chiến lược và chủ động nhằm dự đoán, giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội mới. Các chiến lược ưu tiên của công ty sẽ tập trung vào việc khai thác các phân khúc giá trị cao và tạo sự khác biệt trong thị trường cạnh tranh, mở rộng thị trường tiềm năng, giảm thiểu rủi ro tập trung, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tinh chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng nhằm gia tăng sự hài lòng của khách hàng.
Bản tin báo cáo này có những nhận định về tương lai trong các kỳ vọng dự định của Công ty có thể liên quan đến những rủi ro và sự không chắc chắn. Bạn đọc không nên xem những nhận định tương lai này là dự đoán sự kiện sẽ xảy ra hoặc lời hứa về kết quả trong tương lai.