Là một đơn vị sản xuất thép lá lớn ở Việt Nam có sự tham gia góp vốn của JFE Shoji, Tôn Đông Á (TDA, trụ sở chính tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã vượt lên trên các đối thủ cùng ngành khi hoàn tất đầu tư nâng cao công suất, hướng đến việc chính thức tham gia thị trường cao cấp như ứng dụng cho điện gia dụng từ năm sau.
Trong thị trường thép lá mạ đang canh tranh vô cùng gay gắt của Việt Nam, TDA hiện đứng thứ 3 tính theo năng lực sản xuất; với năng lực cạnh tranh cao có được từ chất lượng, sức mạnh thương hiệu họ đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hình công ty, về phương châm kinh doanh cũng như những dự báo sắp tới.
* Đầu tiên xin được hỏi về tình hình kinh tế & nhu cầu thép hiện tại của Việt Nam.
“Nếu phải diễn tả bằng một từ thì có lẽ “thuận lợi” là từ phù hợp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức 6.5~7%, kéo theo nhu cầu thép cũng tăng lên. Trong vài năm gần đây, nhu cầu thép giữ mức tăng hàng năm 15%; không chỉ trong nước, VN còn nhận được nhiều sự quan tâm chú ý từ các nước; những năm tới cũng có thể lạc quan.
Sắp tới ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam sẽ ngày càng cải thiện về mặt chất lượng, sẽ từng bước sản xuất được những sản phẩm trước nay chưa làm được. Cùng với sự phát triển đó nhu cầu thép sẽ tăng lên, đặc biệt là nhu cầu thép cho ngành công nghiệp chế tạo. Hiện tại tỉ lệ thép trong nước đang là 70% cho thép xây dựng & 30 cho thép lá. Tuy nhiên, ở quốc gia nào cũng vậy, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế nhu cầu thép lá luôn có xu hướng tăng dần lên.”
* Nhu cầu thì ổn định nhưng điều quan trọng là sự cân bằng với nguồn cung dường như không có.
“Năm nay là một năm tình hình đặc biệt không tốt. Như mọi người biết, thị trường đang bị ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thép xây dựng chủ yếu tiêu thụ trong nước, lượng xuất khẩu đi vài nước lân cận không nhiều nên ảnh hưởng không đáng kể; tuy nhiên đới với thép lá, 50% sản lượng là cho xuất khẩu nên chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng trên thế giới đã giáng một cú mạnh vào mảng này. Không những vậy, thời gian gần đây nguyên liệu nước ngoài với giá rẻ cũng liên tục được nhập về.”
“Hiện tại nhu cầu thép lá mạ (bao gồm cả tôn lợp, vách, tôn sử dụng cho sản xuất ống, xà gồ) đang ở mức 5,5 triệu tấn một năm. Trong khi đó, năng lực cung cấp trong nước tính cả những đầu tư đến năm 2020 dự kiến đạt mức 8 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu giữ mức tăng trưởng cơ bản như hiện nay khoảng 500.000~800.000 tấn thì đến năm 2021 cung cầu sẽ gặp nhau. Những đơn vị sản xuất tôn mạ như chúng tôi ý thức rõ những khó khăn của các vấn đề phòng vệ thương mại & hết sức thận trọng trong việc chọn lựa thị trường xuất khẩu. Hơn thế, có khả năng chính phủ (Việt Nam) sẽ đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề hàng nhập khẩu để đảm bảo công bằng trong thương mại.”
* Tình hình sản xuất, kinh doanh của TDA
“Sản lượng năm 2017 là 480.000 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 50%. Năm 2018 dự kiến sản lượng sẽ tăng lên, đạt khoảng 650.000 tấn. Với giai đoạn 2 chúng tôi đã có thêm 1 dây chuyền cán nguội, 2 chuyền CGL, 1 chuyền CCL, ngoài việc sản lượng tăng lên, chúng tôi đã có thể cung cấp những sản phẩm cuộn GI (thép mạ kẽm nhúng nóng) và thép mạ màu chất lượng cao. Với những thiết bị này chúng tôi muốn hướng đến phân khúc chất lượng cao (có thể áp dụng cho những ứng dụng khác ngoài tôn lợp, vách), nâng cao thị phần nội địa. Sang năm sau nhà máy 2 sẽ đi vào hoạt động ổn định (toàn bộ các chuyền đã hoàn thiện), năng lực cạnh tranh sẽ được cải thiện thêm một bậc. Chúng tôi cũng muốn hướng đến các ứng dụng mảng điện gia dụng, trang trí nội thất,…”
* Lợi thế, điểm mạnh để TDA tồn tại trong thị trường Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt
“Chúng tôi đã mất 5~6 năm để hoàn thành đầu tư nhà máy 2, hiện tại toàn bộ dự án đã hoàn tất. Trong khi đó có nhiều nhà sản xuất vẫn chưa kết thúc đầu tư. Chúng tôi sẽ có thể nhanh chóng bước vào giai đoạn tiếp theo, tập trung toàn lực vào việc cải thiện chất lượng & nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, nên khi xây dựng nhà máy 2 chúng tôi đã có nhiều cải tiến cho mục tiêu sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Về nền tảng công nhệ, thiết bị, quản trị,… chúng tôi hoàn toàn có thể cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Về thiết bị, chúng tôi đầu tư những công nghệ tiên tiến nhất từ Mỹ, Châu Âu & Hàn Quốc. Chúng tôi tự tin có thể cung cấp những sản phẩm chất lượng cao & ổn định với những thiết bị này.”
“Năng suất hiện tại 800.000 tấn/năm, theo tôi cũng là một quy mô hợp lý giúp chúng tôi có thể quản lý tốt chất lượng & tính sản xuất. Trong tương lai cũng có khả năng chúng tôi sẽ tăng cường thêm năng lực sản xuất nhưng phương châm trong năm 2019 vẫn là tập trung xây dựng thương hiệu TDA & gắn với chất lượng, uy tín và đồng bộ sản xuất.”
* Cho một tương lai xa, TDA đang có kế hoạch như thế nào.
“Chúng tôi chưa thể chia sẻ cụ thể. Trước mắt chúng tôi muốn tập trung phát huy tốt nhất nền tảng hạ tầng, thiết bị hiện tại, vận hành và hoạt động hiệu quả cho cả công ty và các đối tác, tạo nền tảng cho những dự định đầu tư trong tương lai.”
* TDA có tăng cường thêm mối liên kết với các đơn vị thương mại Nhật Bản, ví dụ như đón nhận đầu từ từ JFE Shoji, Hanwa?
“Chúng tôi có liên kết với vài đối tác ngành thép, tổng mức đầu tư từ các đơn vị này khoảng 20%. Cụ thể chúng tôi nhận được sự hợp tác trên hai mảng chính là “cung cấp nguyên liệu” & “tiêu thụ sản phẩm”. Chúng tôi mong muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài & đang thực hiện được điều đó với JFE Group & Hanwa”.
* Cuối cùng xin được hỏi về giấc mơ lớn của ông với tư cách người điều hành TDA
“Chúng tôi không nói về những chuyện quá to tát. Sau 20 năm từ khi khởi nghiệp, chúng tôi nghĩ khách hàng trong & ngoài nước đã hiểu được văn hóa công ty, phương châm kinh doanh của TDA. Chúng tôi muốn hướng đến xây dựng một thương hiệu “TDA uy tín”; cùng toàn thể nhân viên của TDA chúng tôi đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thông qua các hoạt động của công ty.”
Nguồn: